Dông là gì? Dông thường xuất hiện khi nào và khu vực nào thường xuất hiện mây dông ?
Dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất, tạo ra hiện tượng chớp và sấm, thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Trường hợp sự phóng điện xảy ra giữa đám mây và mặt đất người ta gọi là sét.
Ở những vùng có dông, các yếu tố khí tượng thường thay đổi đột ngột như sự giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm không khí, đột biến của khí áp, hướng và tốc độ gió. Dông được hình thành khi có đối lưu mạnh, sự phát triển đối lưu ở trong mây có ý nghĩa rất lớn đối với sự tạo ra dông.
Địa hình cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh và phát triển mây dông. Vùng đồi núi, vùng tiếp giáp với đồi núi ở hướng đón gió là nơi dông thường xuất hiện nhiều. Dông cũng xảy ra nhiều hơn vào ban ngày, nhất là xế trưa hoặc chiều tối.
Dông thường đem lại hệ quả rõ rệt nhất là mưa rào với cường độ lớn, đóng góp quan trọng vào lượng mưa tổng cộng. Điểm đặc biệt là do sự phóng điện trong khí quyển, các chất khí có trong thành phần không khí kết hợp thành muối Nitrát hay Amôniắc theo mưa rơi xuống làm tăng độ phì của đất.
Một hệ quả khác của dông là thường gây ra sét. Sét có thể làm chết người, cháy nhà, hoặc làm gián đoạn và hao hụt sự truyền điện năng trên các đường dây dẫn.
Nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và xảy ra nhiều nhất ở vùng ven biển. Trên lục địa, dông thường xảy ra vào mùa nóng, nhất là vào buổi chiều và tối khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển. Ở vùng biển gần ven bờ, dông thường xảy ra vào ban đêm nhiều hơn, bởi vì vào ban đêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và
không khí đạt đến cực đại tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển..
Ở nước ta, mùa dông thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng cũng tùy theo địa hình, mùa dông ở mỗi địa phương một khác.