21/06/2021

Các dạng sạt lở đất và giải pháp hạn chế sạt lở đất tại vùng núi phía bắc Việt Nam

Miền núi phía bắc là địa bàn phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước, là nơi tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, rừng, hệ thống sông suối...), là địa đầu của Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng. Trong số các tài nguyên thiên nhiên ở đây, một loại tài nguyên quan trọng phải kể đến là vùng đồi núi. Cùng với miền Karst ở phía nam Trung Quốc, các miền các-tơ ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta tạo thành một cảnh quan vùng đồi núi nhiệt đới gió mùa duy nhất trên trái đất với diện tích khoảng 500.000 km2. Ðiều đó đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý ở trong nước và trên thế giới.

Ðây cũng là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn và hiện đang là vùng trọng điểm trong công tác xóa đói, giảm nghèo của cả nước. 15 tỉnh miền núi phía bắc đều có diện tích vùng đồi núi đáng kể. Ðịa hình các-tơ được hình thành trong hoàn cảnh địa chất kiến tạo phức tạp. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên của một vùng nhiệt đới ẩm, gió mùa, các tai biến địa chất đã và đang là mối đe dọa đối với đời sống của cộng đồng dân cư, phá hủy cảnh quan vùng đồi núi tại các tỉnh miền núi phía bắc.

Các dạng tai biến đã và đang xảy ra khu vực miền núi phía Bắc gồm:

 Hiện tượng nứt - trượt - sụt đất ở các vùng đồi núi, gắn liền với hoạt động của hệ thống đứt gãy. Ðó là những đứt gãy Sơn La - Bỉm Sơn (Thanh Hóa), sông Ðà, sông Hồng, sông Chảy... Tại đứt gãy Sơn La - Bỉm Sơn, các nhà khoa học đã quan sát thấy những khối nứt trượt đất với quy mô lớn xảy ra ở khu vực xóm Mỏ, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình vào những năm 1996-1997 với những vết nứt dài gần 100 m, sâu 3-4 m. Ở Hà Giang, hiện tượng nứt, sụt đất xảy ra tại khu đồi gần Tổng công ty Bảo hiểm Hà Giang vào năm 2000.  Nứt trượt đất ở Cao Bằng cũng xảy ra ở Nà Lúm, Bản Khiếu, Bản Lạc.

Tại Phú Thọ, nứt, sụt đất  xảy ra mạnh ở huyện Thanh Ba trên các khối vùng đồi núi ngầm ở các xã Ninh Dân, Ðồng Xuân, gây nứt nhiều nhà cửa của người dân, đồng thời kèm theo hiện tượng mất nước ngầm sinh hoạt và nước mặt ao hồ ở thôn Ðồng Xa vào những năm 2000-2002. Các hố nứt sụt rộng tới 10 m, sâu 3-4m...

Một tai biến khác không những gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, tính mạng con người mà còn gây nên sự bất ổn về tinh thần của người dân, đó là tai biến trượt lở ở các miền vùng đồi núi. Với đặc điểm độ dốc của địa hình đá vôi lớn, dân cư sống tập trung ở chân núi, chân đồi,... hiện tượng trượt lở luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân ở đây.

Lũ quét, lũ bùn đá cũng là loại hình tai biến xảy ra khốc liệt nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc nói chung và các vùng đồi núi nói riêng. Ðây là dạng tai biến nghiêm trọng, cần được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trận lũ quét xảy ra tại xã Nam Cường (Chợ Ðồn, Bắc Kạn) ngày 23-7-1986 là một điển hình: Lũ lên nhanh, sức tàn phá mạnh; nhiều gỗ, tre, nứa, bùn rác làm lấp cửa hang Pác Chản, biến cánh đồng Nam Cường thành hồ chứa nước với chiều dài đến 5 km, cột nước sâu nhất 16 m, làm chết bảy người, 120 ha hoa màu mất trắng, sạt lở 20 km đường.

Bên cạnh các tai biến địa chất trên thì hiện tượng xói mòn trên đá vôi cũng là hiện tượng điển hình và phức tạp ở những vùng đồi núi. Chúng không những làm biến dạng địa hình trên mặt mà còn tạo nên những hệ thống hang động vùng đồi núi phức tạp.

Nguy cơ tai biến địa chất ở các vùng đồi núi là rất lớn nhưng những nghiên cứu của chúng ta về vấn đề này còn rất hạn chế. Hiện nay, ngoài đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước: "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất trên lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng tránh" (giai đoạn II: Các tỉnh miền núi phía bắc) do Viện Ðịa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì, chưa có một đề tài nào nghiên cứu chuyên sâu về các tai biến xảy ra ở những vùng đồi núi.

Trường đại học Mỏ - Ðịa chất là trường đại học đầu ngành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ thuộc các lĩnh vực mỏ, địa chất, dầu khí, trắc địa, bản đồ. Những kết quả của việc hợp tác nghiên cứu, triển khai công nghệ đã đạt được với các địa phương chính là đáp số cho những bài toán mà thực tế đã và đang đặt ra cho các chuyên ngành mỏ, địa chất, trắc địa... của nhà trường. Ðể hạn chế tình trạng trượt lở đất đá ở những vùng đồi núi thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, các nhà khoa học của trường đã nghiên cứu và đưa ra năm giải pháp sau:

+ Sửa bề mặt mái dốc (tức là làm thay đổi hình dạng bên ngoài của mái dốc) với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng (trạng thái ổn định) để hạn chế khả năng trượt. Có hai cách thực hiện: Làm nhẹ tải trọng phần trên của mái dốc như hạ thấp mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo nhiều bậc thang theo sườn dốc (cắt cỏ mái dốc); tăng tải trọng ở phần chân của mái dốc bằng cách xây dựng các loại tường phản áp hay các khối đất khác nhau tại các chân dốc. Các công trình chống đỡ bao gồm: Tường chắn (tường kè) bê-tông xi-măng và bê-tông cốt thép, tường rọ đá Mac-ca-phe-ri.

+ Tạo sự thông thoáng cho nước mặt bằng cách xây dựng hệ thống các rãnh thoát nước ở các độ cao khác nhau. Ðối với một số điểm trượt lớn, phức tạp, việc xây dựng bao gồm rãnh đỉnh, rãnh dọc, bậc nước, máng dốc nước và cống thoát nước cần được kiên cố hóa.

+ Hạn chế quá trình phong hóa của đá gốc trên mái dốc bằng cách trồng cỏ Vertiver, phủ lưới Enkamat kết hợp phủ cỏ, làm các bờ mái dốc phủ bằng lớp bê-tông xi-măng hoặc xi-măng cốt thép.

+ Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở dựa trên cơ sở nghiên cứu về địa chất, địa hình và khí tượng (lượng mưa)...

+ Các biện pháp bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật: Trồng rừng phòng hộ, trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi đàn gia súc, trồng cây theo đường đồng mức...

 

Nguồn: PGS.TS. Tạ Ðức Thịnh